MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG TRIỂN KHAI PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHO BẠC NHÀ NƯỚC Ở AN GIANG

          Hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN theo quy định tại Thông tư số 54/2014/TT-BTC ngày 24/4/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện  Nghị định 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ có hiệu lực  từ ngày 01/7/2014, nhưng triển khai trong thực tế tại An Giang vào những tháng cuối năm 2014. Sau gần nửa năm thực hiện, bên cạnh những kết quả ban đầu cũng còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục quan tâm xem xét giải quyết để hoạt động này phát huy hiệu quả.

          Mọi hoạt động trong lĩnh vực KBNN được tổ chức xoay quanh lõi là hoạt động quản lý quỹ ngân sách nhà nước: tập trung và huy động các khoản thu, kiểm soát và cấp phát các khoản chi. Hoạt động quản lý quỹ NSNN nói riêng và hoạt động KBNN nói chung được điều chỉnh bởi một hệ thống các Luật và quy định dưới luật khá phức tạp như Luật NSNN, Luật Kế toán, các Luật Thuế, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân hàng… Các quy định, quy phạm, thủ tục trong lĩnh vực hoạt động KBNN vừa chặt chẽ vừa chuyên sâu đòi hỏi người thực hiện phải được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ và có kinh nghiệm thực tiễn. Thực tế những năm qua cho thấy việc vi phạm các quy định, thủ tục trong quá trình thực hiện hoạt động KBNN nói chung và quản lý quỹ ngân sách còn nhiều, một số đáng kể các vi phạm này đã bị xuất toán. Để chấn chỉnh, khắc phục các sai sót trong lĩnh vực này bên cạnh việc kiện toàn công tác kế toán và quản lý tài chính ở các đơn vị khách hàng của KBNN, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn nghiệp vụ và chăm sóc khách hàng của hệ thống KBNN cần và phải có một hệ thống chế tài đủ mạnh để răn đe, điều chỉnh. Việc ban hành và triển khai chế độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN là một quyết định đúng đắn và cần thiết.

        Trên địa bàn An Giang, hoạt động xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN (sau đây gọi chung là hoạt động xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN) đượctriển khai công tác chuẩn bị trong quý 3 năm 2014 và bắt đầu xử phạt từ đầu quý 4 năm 2014 đến nay. Qua một thời gian thực hoạt động xử phạt đã bước đầu phát huy hiệu quả : tạo áp lực đáng kể để các đơn vị khách hàng nói chung và các đơn vị sử dụng NSNN nói riêng trong việc kiểm tra hồ sơ thanh toán trước khi giao dịch với KBNN; Từng bước đưa công tác đối chiếu đi vào nề nếp; Quan tâm quản lý cam kết chi, hợp đồng kinh tế,  kỷ luật tài khoá ; các đơn vị KBNN đã từng bước kiện toàn quy trình xử lý công việc trong xử phạt, thống nhất cách thức xử lý đối với một số vấn đề còn có những cách hiểu khác nhau… Các đơn vị KBNN đã thực hiện phạt trên 100 vụ, chủ yếu là cảnh cáo. Trong quá trình tổ chức xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN tại địa phương cũng phát sinh nhiều vấn đề xin được chia sẻ với các đồng nghiệp và bạn đọc Tạp chí Ngân quỹ.

         Cần thấy rằng xử phạt VPHC là một hoạt động rất mới và cũng rất khó trong lĩnh vực KBNN. Công chức của ngành ta quen với kiểm soát – chấp nhận – từ chối, nhưng chưa quen với phạt và kết luận có tính ràng buộc pháp lý trong xử phạt, quen với giao dịch nhưng chưa quen với kết luận vi phạm đặc biệt khi đối tượng bị xử phạt có thể là công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Nhìn từ khía cạnh chế độ thì các quy định đã ban hành còn rất gọn, nhiều điểm còn chung chung khi áp dụng thì gặp nhiều vướng mắc.

         Trước hết nói về hành vi vi phạm (HVVP) của các Đơn vị dự toán và Chủ đầu tư (xin được gọi chung là đơn vị sử dụng ngân sách – ĐVSDNS). Trong thực tế kiểm soát các khoản chi tiêu công rất dễ nhầm lẫn hành vị của các cơ quan có thẩm quyền khi xử lý các tài liệu pháp lý của các khoản chi với hành vi của ĐVSDNS. Ví dụ: Các hành vi chi sai dự toán do phân bổ sai với dự toán được giao thì cũng không thể xác định hành vi vi phạm của ĐVSDNS. Ví dụ 2: Hành vi chi sai chế độ – không đảm bảo nguyên tắc như khoản chi phải đấu thầu nhưng áp dụng chỉ định thầu sai thẩm quyền khi đó hành vi vi phạm là của người phê duyệt kết quả chỉ định thầu sai thẩm quyền… Một vấn đề khác là có một số hành vi chi ngân sách không thể coi là vi phạm khi nó chưa xảy ra như các hành vi chi vượt chi sai. Các hành vi này chỉ phát sinh khi lập Giấy rút dự toán hay Giấy rút vốn điều này rất khó xảy ra trong điều kiện có kiểm soát chi.

         Thực hiện xử phạt VPHC là hoạt mang tính pháp lý vì vậy đòi hỏi phải chặt chẽ, chính xác tuy nhiên còn khá nhiều quy định trong hướng dẫn xử phạt chưa thật cụ thể còn chung chung và trong thực tế tác nghiệp lúng túng khi xử lý. Chẳng hạn như quy định không xử phát nếu quá thời hạn 01 năm tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm đang thực hiện nhưng thủ tục xác nhận việc phát hiện hành vi vi phạm này là gì ? phải chăng là biên bản vi phạm ? Điều này thật khó khi xem xét các khoản tạm ứng đã lưu cữu nhiều năm nay vì việc chậm thanh toán này đã biết từ lâu và vẫn còn vi phạm thời hạn thanh toán tạm ứng nhưng xác định thời điểm phát hiện thì rất lúng túng.

          Đối với các quy định về hành vi vi phạm chế độ thanh toán việc xác định sai về thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán trong khi chưa làm rõ nội hàm của hai thuật ngữ này dẫn đến còn những cách hiểu rất khác nhau. Hiện nay khái niệm thời hạn thanh toán được sử dụng nhiều trong phạm vi  tài khoá với ý nghĩa thời hạn cuối cùng được giải ngân và cũng còn nhiều vấn đề cần được xem xét tiếp nhất là các bất cập do dồn hồ sơ vào sát thời hạn thanh toán. Khái niệm thời hạn thanh toán trong Hợp đồng giao thầu còn mơ hồ hơn và việc thẩm định, xác định trách nhiệm của từng bên liên quan đến vấn đề này là một việc khó. Tại điểm 2 điều 8 Thông tư 54 có nêu một yêu cầu : Hợp đồng, phụ lục điều chỉnh hợp đồng không trái với quy định hiện hành…, điều này là chính xác nhưng việc xác định trái hay không trái với quy định hiện hành của một Hợp đồng dân sự nếu không có sự đồng thuận thì chỉ có toà án mới đủ thẩm quyền

          Một vấn đề cũng khá phức tạp là các hành vi vi phạm phát sinh do thực hiện kiến nghị của thanh tra, kiểm toán. Trong hoạt động thanh tra kiểm tra kiểm toán từ nhận định của thanh tra viên, kiểm toán viên về những quy định của Nhà nước trong lĩnh vực KBNN đã dẫn đến những kiến nghị trong quá trình sử dụng NSNN. Đa phần các kiến nghị này là đúng nhưng cũng có một số kiến nghị còn chưa đạt được sự đồng thuận và làm phát sinh hành vi vi phạm thuộc diện phải xử phạt nếu xử phạt thì phạt ai ? Ví dụ, kết luận thanh tra kiểm toán xác định phụ lục hợp đồng vô hiệu dẫn đến việc vi phạm thời hạn hoặc phương thức thanh toán (!).

          Việc tổ chức xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN ở địa phương cũng còn một số vấn đề cần sớm được kiện toàn hoàn thiện, làm rõ trách nhiệm và trách ách tắc kiểu nút cổ chai trong xử lý hồ sơ xử phạt. Cần có mẫu biên bản vi phạm riêng cho các trường hợp do KBNN cấp huyện, phòng giao dịch thuộc KBNN tỉnh và thanh tra viên xử phạt trong đó cần có thêm nội dung đã kiểm tra và ký tên đóng dấu của lãnh đạo đơn vị. Việc tập trung hồ sơ theo hai phòng kế toán với chi thường xuyên và kiểm soát chi với chi đầu tư là hợp lý nhưng để đảm bảo thời hạn xử lý rất dễ hình thành nút cổ chai do công việc hai phòng này vốn đã nhiều. Việc quản lý các mối quan hệ giữa cán bộ công chức KBNN với các đối tượng bị xử phạt cũng cần được quan tâm và giám sát đặc biệt trước hết là giám sát của lãnh đạo trực tiếp vì diễn biến của các quan hệ này cũng rất phức tạp.

         Từ thực tiễn triển khai xử phạt VPHC tại địa phương thời gian qua, xin mạnh dạn đề nghị một số nội dung cần bổ sung cho chế độ xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN trong thời gian tới như sau :

          Sớm quy định chế độ kiểm tra giám sát công tác xử phạt tại các KBNN ở địa phương nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong thực hiện xử phạt ở cơ sở, tổng hợp các vấn đề liên quan đến chế độ để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

         Mở rộng đối tượng xử phạt tới các cơ quan quản lý quá trình chấp hành ngân sách, quá trình đầu tư phát triển nhất là quá trình phân bổ dự toán, xây dựng chế độ, lựa chọn nhà thầu.. khi thực hiện vượt thẩm quyền, thiếu trách nhiệm dẫn đến vi phạm.

        Cần có chế tài với cơ quan KBNN khi vi phạm trong lĩnh vực sử dụng ngân sách không chỉ trong lĩnh vực tài chính nội ngành mà cả trong quản lý quỹ ngân sách (kế toán, kiểm soát chi..) và xử phạt VPHC.

         Đặt hoạt động xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN trong tổng thể xử phạt VPHC tại địa phương với sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự điều hành của UBND, từ phổ biến tuyên truyền đến phối hợp, khắc phục và báo cáo để hướng tới một kết quả tổng hợp và toàn diện.

         Trên đây là một số vấn đề rút ra từ thời gian ngắn triển khai công xử phạt VPHC trong lĩnh vực KBNN tại địa phương. Công việc rất mới mẻ do vậy việc đánh giá có thể chưa đầy đủ, mong được sự chia sẻ của đồng nghiệp.

                                                                                          Lâm Hồng Cường

(Nguồn: Tạp chí Quản lý ngân quỹ Quốc gia kỳ tháng 3/2015)

CATEGORIES
Share This