Thống nhất đầu mối kiểm soát chi: Mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ khách hàng

           Ngày 21 tháng 8 năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg,  về việc phê duyệt chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 với mục tiêu: “Xây dựng KBNN  hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ Ngân sách Nhà nước và các quỹ tài chính Nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tổng kế toán Nhà nước nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”. Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 cũng đã xác định mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, trong đó đối với công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước là: “Đổi mới công tác quản lý, kiểm soát chi qua KBNN … Thống nhất quy trình và đầu mối kiểm soát các khoản chi của ngân sách nhà nước, bao gồm các khoản chi từ nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài, các khoản chi ngân sách nhà nước phát sinh ở trong và ngoài nước. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi, bảo đảm đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử”.

         Trong thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan và trong bối cảnh hệ thống KBNN chưa thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ đã được xác định trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, việc tổ chức công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước trong nội bộ hệ thống chưa tập trung vào một đầu mối mà được phân công cho 02 bộ phận thực hiện; theo đó, đơn vị sử dụng ngân sách có cả nội dung chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ phải đến cả 2 bộ phận này để làm thủ tục. Cụ thể:

            + Với chi thường xuyên sẽ gặp cán bộ kế toán để nộp hồ sơ. Cán bộ kế toán sẽ tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận kế toán.

           + Đối với chi đầu tư sẽ gặp cán bộ kiểm soát chi đầu tư, cán bộ kiểm soát chi đầu tư xử lý chứng từ và chuyển tới bộ phận kế toán để nhập yêu cầu thanh toán vào hệ thống Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), sau đó mới chuyển tiền cho đơn vị.

         “Mô hình tổ chức này tương đối phù hợp với đặc thù hoạt động của hệ thống KBNN trong giai đoạn vừa qua nhưng cũng có những tồn tại, hạn chế nhất định đó là chưa thật sự tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong việc giao dịch thanh toán với các đơn vị KBNN”.

        Từ những bật cập này cùng với mục tiêu cải cách hành chính, giảm bớt đầu mối làm việc, nâng cao và cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, tiến tới rút ngắn thời gian kiểm soát chi của hệ thống KBNN, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn tiền và tài sản của Nhà nước, tạo thuận lợi tối đa và đem lại sự hài lòng cho các đơn vị đến giao dịch, do đó việc thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN là rất cần thiết; vì:

  1. Tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử: Thời gian qua, công tác kiểm soát chi NSNN được KBNN nỗ lực cải cách, đổi mới như:

– Triển khai thực hiện quy trình kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần nâng cao kỷ cương kỷ luật tài chính tại các đơn vị sử dụng ngân sách và ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán (nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản). Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát chi 1 cửa, đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ và nội dung kiểm soát rút ngắn thời gian kiểm soát chi từ 7 ngày xuống còn 3 – 4 ngày làm việc đối với chi đầu tư. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, xây dựng hành lang pháp lý nhằm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi, thí điểm thực hiện kiểm soát chi điện tử thông qua Cổng thông tin KBNN tại một số KBNN tỉnh, thành phố.

– Đối với chi thường xuyên, đã bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát theo cơ chế khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, bỏ các thủ tục kiểm soát chi liên quan đến quản lý nhu cầu chi quý, quy định rõ thời hạn thực hiện kiểm soát chi tại KBNN từ 1 – 3 ngày làm việc

Đây chính là những bước đi cần thiết cho một quy trình kiểm soát chi điện tử mà KBNN đang hướng tới.

  1. Thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch:

Thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN theo hướng tập trung vào một đầu mối sẽ tiết kiệm được thời gian và công sức cho khách hàng vì nếu như đơn vị sử dụng ngân sách hoặc chủ đầu tư có cả 2 nội dung là chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ chỉ còn phải đến một bộ phận kiểm soát chi để hoàn thiện tất cả các hồ sơ, thủ tục thay vì phải đến 2 bộ phận như trước đây. Đồng thời, với quy trình làm việc mới này, một cán bộ công chức Kho bạc sẽ cùng lúc làm được nhiều việc, tránh phân tán, dàn trải trong công việc.

– Nếu như đơn vị sử dụng ngân sách hoặc chủ đầu tư có cả 2 nội dung là chi thường xuyên và chi đầu tư sẽ chỉ còn phải đến một bộ phận kiểm soát chi để giải quyết từ khâu tiếp nhận hồ sơ giấy hoặc tiếp nhận hồ sơ điện tử trên dịch vụ công; kiểm soát hồ sơ; nhập yêu cầu thanh toán (tất cả các khoản chi từ tài khoản dự toán, tài khoản tiền gửi, tài khoản tạm thu tạm giữ của các đơn vị dự toán, đơn vị sự nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án)  hoặc hoàn thiện tất cả các hồ sơ, thủ tục còn sai sót thay vì phải đến 2 bộ phận như trước đây. “Đây chính là sự thuận lợi nhất cho các đơn vị sử dụng ngân sách khi thực hiện thống nhất đầu mối kiểm soát chi .

Thống nhất đầu mối kiểm soát chi được triển khai sẽ tạo thuận lợi tối đa và đem lại sự hài lòng cho các đơn vị đến giao dịch tại KBNN. Tuy nhiên, bước đầu triển khai thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn.

BAN BIÊN TẬP

CATEGORIES
Share This