V/v khoá sổ và quyết toán NSNN niên  độ 2021 tại KBNN An Giang

V/v khoá sổ và quyết toán NSNN niên độ 2021 tại KBNN An Giang

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN; Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN; Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ Quy định về thủ tục hành chánh thuộc lĩnh vực KBNN; Công văn số 15391/BTC-KBNN ngày 11/12/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm 2018 sang năm 2019 và các năm sau…
Để việc khóa sổ quyết toán NSNN năm 2021 được thực hiện đúng thời gian quy định. Kho bạc Nhà nước An Giang thông báo đến các đơn vị một số nội dung như sau:
1. Nguyên tắc chung về xử lý kinh phí cuối năm:
– Ngày 11/12/2018, Bộ Tài chính có Công văn số 15391/BTC-KBNN về việc hướng dẫn xử lý chuyển nguồn ngân sách cuối năm 2018 sang năm 2019 và các năm sau, các nội dung, thủ tục chuyển nguồn thực hiện theo quy định tại tiết b, c, d, đ, e, g điểm 1, điểm 2 của Công văn này. Khi rà soát, xác định số dư kinh phí được chuyển nguồn sang năm 2022 cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, các đơn vị lưu ý thêm một số nội dung cụ thể như sau:
Các khoản dự toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, các khoản đã tạm ứng trong dự toán, số dư tài khoản tiền gửi ngân sách cấp, hết thời gian chỉnh lý quyết toán (ngày 31/01/2022) chưa thực hiện hoặc chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm 2022 tiếp tục sử dụng, gồm:
a) Chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển sang năm sau theo quy định, cụ thể:
– Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm (bao gồm cả các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài) theo quy định tại Điều 64 Luật NSNN; Điều 68 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021 đến ngày 31/01/2022, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31/12/2022 theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công (trên cơ sở đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
– Trường hợp bất khả kháng các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nhưng không giải ngân trước ngày 31/01/2022, thực hiện theo quy định về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm tại khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công được quy định tại khoản 2 Điều 62 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
– Chậm nhất đến hết ngày thứ 30 kể từ ngày 31/01/2022, các đơn vị KBNN hoàn thành việc đối chiếu số liệu ghi thu, ghi chi vốn vay ODA với chủ đầu tư theo Mẫu biểu số 01/ODA kèm theo Quyết định số 2906/QĐ-KBNN ngày 15/6/2018 của Tổng Giám đốc KBNN về việc ban hành Quy trình kiểm soát chi, ghi thu ghi chi nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong hệ thống KBNN.
– Đối với vốn tạm ứng chi đầu tư theo chế độ chưa thu hồi không đưa vào quyết toán. Hết thời hạn chỉnh lý quyết toán, số dư tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi còn lại (sau khi trừ đi số nộp điều chỉnh giảm trong năm quyết toán (nếu có) của phần vốn tạm ứng theo chế độ chưa thu hồi từ các năm trước) được chuyển sang ngân sách năm sau để quản lý, thu hồi tạm ứng và quyết toán phần thanh toán khối lượng hoàn thành, Cơ quan tài chính không phải làm thủ tục xét chuyển theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
– Về quy trình và thủ tục kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm đối với các dự án được cấp có thẩm quyền cho phép: chủ đầu tư làm thủ tục đối chiếu với KBNN nơi giao dịch về số dư dự toán, trên cơ sở số liệu đối chiếu khớp đúng, đơn vị KBNN nơi chủ đầu tư mở tài khoản thực hiện chuyển số vốn còn lại chưa giải ngân sang năm sau.
Trường hợp có văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 sang năm 2022 nhưng sau thời điểm đã hủy dự toán theo quy định, KBNN nơi giao dịch phục hồi kinh phí đã hủy bỏ tương ứng, lập chứng từ và thực hiện chuyển số dư dự toán ngân sách sang năm 2022 trên hệ thống TABMIS theo quy định.
Lưu ý:
(1) Kinh phí chi đầu tư phát triển bao gồm cả nguồn kinh phí bổ sung từ dự phòng ngân sách, tăng thu, tiết kiệm chi (không bao gồm nguồn kinh phí để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định tại Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công);
(2) Đối với vốn ngoài nước áp dụng cơ chế tài chính trong nước, xử lý tương tự như vốn trong nước.
b) Chi mua sắm trang thiết bị đã có đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31/12/2021; chi mua tặng, mua bù hàng dự trữ quốc gia:
– Về nội dung trang thiết bị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị: Thực hiện theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, sử dụng máy móc, thiết bị.
– Căn cứ đối chiếu, xác nhận, chuyển nguồn mua sắm trang thiết bị sang năm 2022 cho đơn vị:
Đơn vị gửi KBNN nơi giao dịch trước ngày 10 tháng 2 năm 2022:
+ Quyết định phê duyệt dự toán mua sắm;
+ Hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31/12/2021 và còn thời hạn thực hiện thanh toán để làm căn cứ đối chiếu, xác nhận, chuyển nguồn sang năm 2022 cho đơn vị.
Lưu ý:
(1) Trong quá trình thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị có thể gồm nhiều thành phần (mua thiết bị, tư vấn giám sát, mua phần mềm, sửa chữa, lắp đặt chạy thử, chi phí quản lý dự án…) để thực hiện cùng dự án trong giai đoạn được phê duyệt, và có thể có những nội dung chi không có hợp đồng thì phải đảm bảo các nội dung này đều là phục vụ hợp đồng chính về mua sắm trang thiết bị, hợp đồng ký trước ngày 31/12/2021 và còn thời hạn thực hiện thanh toán, thì được chuyển nguồn sang năm 2022.
(2) “Thời hạn thực hiện thanh toán” của hợp đồng mua sắm trang thiết bị theo hướng dẫn tại điểm b mục 4 phần II này là thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng mua sắm trang thiết bị đã ký.
c) Nguồn thực hiện chính sách tiền lương, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng, trợ cấp một lần và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo trợ xã hội.
Nguồn thực hiện chính sách tiền lương được bố trí trong dự toán NSNN bao gồm: (1) Nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngay từ đầu năm 2021; (2) Các nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm trước còn dư; (3) Nguồn thực hiện chính sách tiền lương bố trí dự toán ngân sách năm 2021; (4) 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương năm 2021 so với dự toán năm 2020, được theo dõi mã nguồn 14- Kinh phí thực hiện chính sách tiền lương.
Nguồn kinh phí chi trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần đối với người có công (theo quy định tại tiết c khoản 1 Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/12/2016) được theo dõi mã nguồn 17- Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
d) Kinh phí được giao tự chủ (bao gồm cả kinh phí khoán chi quản lý tài chính) của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước theo chế độ quy định và theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi:
Nguồn kinh phí được giao tự chủ được theo dõi mã nguồn 13 – Kinh phí được giao tự chủ.
Các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi, gồm cả: số dư tại các đơn vị được giao, số dư tạm ứng ở cấp ngân sách theo chế độ quy định đã làm thủ tục xác nhận viện trợ, được chuyển nguồn sang năm 2022.
đ) Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung từ cấp ngân sách sau ngày 30/09/2021, không bao gồm các khoản bổ sung do các đơn vị dự toán cấp trên điều chỉnh dự toán đã giao của các đơn vị dự toán trực thuộc:
Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/09/2021, nguồn không tự chủ được theo dõi mã nguồn 15 – Kinh phí không tự chủ được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9.
Lưu ý:
+ Dự toán ngân sách giao cho đơn vị được theo dõi mã nguồn 15 – Kinh phí không tự chủ được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9, đến hết ngày 31/01/2022 chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết được chuyển sang năm 2022 và điều chỉnh sang mã nguồn 12- Kinh phí không giao tự chủ, không giao khoán.
+ Khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung từ cấp ngân sách được thể hiện trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đối với đơn vị thuộc ngân sách trung ương; văn bản của Ủy ban nhân dân,CQTC đối với đơn vị thuộc ngân sách địa phương (không phải từ quyết định giao dự toán của Đơn vị dự toán cấp I).
e) Kinh phí nghiên cứu khoa học (thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ) bố trí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định đang trong thời gian thực hiện.
Đối với kinh phí chi cho các dự án, đề án đang trong thời gian thực hiện, đơn vị quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học và công nghệ gửi KBNN nơi giao dịch trước ngày 10/02/2022: Văn bản giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của cấp có thẩm quyền còn thời hạn thực hiện.
Khoản kinh phí này được theo dõi mã nguồn 16 – Kinh phí nghiên cứu khoa học.
Lưu ý: Kinh phí nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ được bố trí từ mã Loại 100-Khoa học và công nghệ theo Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hệ thống Mục lục NSNN (các dự án triển khai phổ biến ứng dụng khoa học không thuộc quy định tại điểm này).
g) Các khoản tăng thu, tiết kiệm chi được sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật NSNN được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng vào năm 2021.
h) Các nhiệm vụ chi theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 Nghị định số 01/2020/NĐ-CP ngày 14/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Việc chuyển nguồn theo quy định nêu trên tại Nghị định số 01/2020/NĐ-CP được áp dụng từ năm 2018.
i) Các nhiệm vụ chi thường xuyên trong dự toán (bao gồm cả nguồn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chuyển nguồn kinh phí theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trên cơ sở đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội phê duyệt) theo quy định tại Điểm 3.2, Điểm 3.8 Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.
Trường hợp có văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn dự toán năm 2021 sang năm 2022 nhưng sau thời điểm đã hủy dự toán theo quyết định, KBNN nơi giao dịch phục hồi kinh phí đã hủy bỏ tương ứng, lập chứng từ và thực hiện chuyển số dư dự toán ngân sách sang năm 2022 trên hệ thống TABMIS theo quy định.
* Một số lưu ý khác về chuyển nguồn ngân sách:
– Trường hợp chuyển nguồn ngân sách cho nội dung chi mật thuộc nhiệm vụ chi an ninh, quốc phòng, các đơn vị an ninh, quốc phòng chịu trách nhiệm về danh mục, số kinh phí được chuyển nguồn sang năm sau.
– Việc chuyển nguồn, nộp trả ngân sách nhà nước theo quy định, xử lý nghiệp vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền đối với tài khoản tiền gửi của các đơn vị an ninh, quốc phòng được thực hiện tại Sở Giao dịch KBNN (Sở Giao dịch KBNN thực hiện trên cơ sở đề nghị của Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an).
2. Thời hạn chi, tạm ứng, đề nghị cam kết chi và hạch toán các khoản thu, chi ngân sách:
a) Thời hạn chi, tạm ứng ngân sách (kể cả tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn ứng trước và cam kết chi từ nguồn vốn ứng trước năm 2021 và các khoản chi năm trước chuyển sang năm 2021) đối với các nhiệm vụ được giao trong dự toán NSNN hằng năm được thực hiện chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021. Thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) gửi hồ sơ, chứng từ rút dự toán chi ngân sách, tạm ứng ngân sách, đề nghị cam kết chi đến KBNN nơi giao dịch chậm nhất đến hết ngày 30/12/2021 (theo thời gian chứng từ đến trên hệ thống DVCTT). Không thực hiện tạm ứng ngân sách năm 2021 (cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) trong thời gian chỉnh lý quyết toán (trừ trường hợp tạm ứng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì được thực hiện đến hết ngày 31/01/2022).
b) Các khoản tạm ứng đã đủ điều kiện chi, khối lượng công việc đã thực hiện từ ngày 31/12/2021 trở về trước được giao trong dự toán ngân sách, thì thời hạn chi, thanh toán ngân sách được thực hiện đến hết ngày 31/01/2022 và được hạch toán, quyết toán vào ngân sách năm 2021. Thời hạn đơn vị sử dụng ngân sách (gồm cả chủ đầu tư) gửi hồ sơ, chứng từ chi ngân sách (kể cả thanh toán các khoản tạm ứng), đề nghị cam kết chi, theo chế độ quy định đến KBNN nơi giao dịch chậm nhất đến hết ngày 25/01/2022 (theo thời gian chứng từ đến trên hệ thống DVCTT).
c) Đối với vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, chủ dự án gửi hồ sơ đến KBNN nơi giao dịch để xác nhận hạch toán chậm nhất trước ngày 01/02/2022. Thời hạn hạch toán đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 69 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020, theo đó KBNN nơi giao dịch hoàn thành hạch toán các khoản chi từ nguồn vốn ODA, vay ưu đãi trong niên độ 2021 thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31/01/2022.
Đối với số tiền đã giải ngân từ nguồn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cho dự án nhưng chưa hạch toán ghi thu ghi chi còn lại từ năm 2020 trở về trước, KBNN nơi giao dịch thực hiện hạch toán ghi thu ghi chi theo đề nghị của chủ đầu tư trong phạm vi kế hoạch vốn giao năm 2021 trong vòng 30 ngày kể từ ngày 31/01/2022.
Các khoản chi thuộc kế hoạch năm đã được KBNN kiểm soát và chuyển tiền cho nhà thầu, nhà cung cấp dịch vụ hàng hóa trước ngày 31/01/2022, KBNN hạch toán ghi thu, ghi chi vào niên độ năm 2021; các khoản chi đã được KBNN kiểm soát chi, chứng từ chuyển tiền cho nhà thầu, nhà cung cấp sau ngày 31/01/2022, chủ dự án bố trí kế hoạch năm 2022 để hạch toán ghi thu, ghi chi theo quy định tại khoản 4 Điều 66 Nghị định số 56/2020/NĐ-CP.
3. Số dư tài khoản tiền gửi:
3.1. Số dư tài khoản tiền gửi ngân sách cấp đến hết ngày 31/12/2021 được xử lý như sau:
a) Số dư tài khoản tiền gửi các khoản ngân sách cấp của đơn vị dự toán đến cuối ngày 31/12/2021 được tiếp tục thanh toán theo quy định trong thời gian chỉnh lý quyết toán. Đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà vẫn còn dư, thì phải nộp trả NSNN; trừ trường hợp được chuyển nguồn sang năm 2022 theo hướng dẫn tại điểm 1 của Công văn này.
– Đối với phần số dư tài khoản tiền gửi được chuyển nguồn sang năm 2022, thủ tục chuyển nguồn như sau: Chậm nhất đến hết ngày 10/02/2022, đơn vị sử dụng ngân sách phải đối chiếu số dư tài khoản tiền gửi với KBNN nơi giao dịch và chi tiết theo Loại, Khoản, Tiểu mục số tiền còn dư (theo mẫu số 20e, kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP) kèm theo các tài liệu liên quan, để có căn cứ xác định thuộc diện được chuyển sang ngân sách năm 2022 theo hướng dẫn tại điểm 1 của Công văn này.
Căn cứ kết quả đối chiếu số dư tài khoản tiền gửi, KBNN đồng cấp thực hiện hạch toán giảm chi (nếu đã hạch toán chi) hoặc hạch toán giảm tạm ứng (nếu đã hạch toán tạm ứng) ngân sách năm trước, tăng số đã cấp ngân sách năm sau; đồng thời thực hiện chuyển số dư dự toán ngân sách năm trước (tương ứng với số dư tài khoản tiền gửi được chuyển sang ngân sách năm sau) sang dự toán ngân sách năm sau.
– Đối với số dư tài khoản tiền gửi không sử dụng tiếp phải nộp lại NSNN. Đơn vị sử dụng ngân sách gửi báo cáo chi tiết số dư theo Mục lục NSNN đến KBNN nơi giao dịch trước ngày 10/02/2022 để phối hợp thực hiện nộp lại ngân sách và hạch toán giảm chi hoặc giảm tạm ứng ngân sách.
b) Số dư tài khoản tiền gửi của xã (nếu có) được chuyển sang ngân sách năm 2022 sử dụng theo chế độ quy định.
3.2. Số dư trên tài khoản tiền gửi không thuộc NSNN cấp, được chuyển sang năm 2022 sử dụng theo quy định của pháp luật.
4. Thủ tục chuyển nguồn sang năm sau:
a) Các khoản kinh phí đã giao cho các đơn vị thuộc các nội dung chuyển nguồn, trước ngày 10/02/2022, đơn vị lập bảng đối chiếu, xác nhận với KBNN nơi giao dịch (theo Mẫu biểu số 20e, số 20f theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP) về số dư dự toán, số dư tạm ứng và số dư trên tài khoản tiền gửi ngân sách để rà soát, đối chiếu chuyển nguồn sang ngân sách năm 2021 theo quy định; KBNN An Giang thực hiện đối chiếu và xác nhận số dư dự toán còn lại của các đơn vị sử dụng ngân sách đến hết ngày 10/02/2022.
Sau ngày 10/02/2022, KBNN An Giang không xác nhận, không hạch toán chuyển nguồn sang năm 2022 cho các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Khoản 2, Điều 42, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP.
b) KBNN An Giang căn cứ nội dung dự toán giao, thời hạn được chi, điều kiện được chuyển nguồn để xác nhận, chuyển nguồn sang năm sau.
c) Cơ quan Tài chính, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (đối với ngân sách cấp xã) tổng hợp toàn bộ các khoản được chuyển nguồn theo quy định và có văn bản gửi KBNN nơi giao dịch để hạch toán chi chuyển nguồn từ năm 2021 sang thu chuyển nguồn năm sau theo quy định tại Khoản 7 Điều 26 Thông tư số 342/2016/TT-BTC.
5. Số dư tạm ứng ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách đến hết ngày 31/01/2021 được xử lý như sau:
– Các khoản tạm ứng trong dự toán theo chế độ, đến hết ngày 31/01/2022 chưa đủ thủ tục thanh toán (gọi là số dư tạm ứng) phải nộp lại ngân sách, trừ các trường hợp được chuyển sang ngân sách năm 2022 chi tiếp theo quy định.
– Số dư tạm ứng còn lại không được chuyển nguồn sang năm 2022, đơn vị sử dụng ngân sách phải nộp lại ngân sách trước ngày 10/02/2022. Hết ngày 10/02/2022 nếu chưa nộp, KBNN An Giang thu hồi bằng cách trừ vào dự toán được giao năm 2022 có cùng nội dung với khoản thu hồi. Trường hợp dự toán năm 2022 của các đơn vị không giao hoặc giao thấp hơn số phải thu hồi, KBNN An Giang sẽ thông báo cho Cơ quan Tài chính cùng cấp để xử lý.
6. Về chi NSNN những tháng đầu năm 2022:
Trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, tuy nhiên Bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời nhập dự toán vào hệ thống TABMIS, KBNN An Giang thực hiện như sau:
– Đối với các khoản chi lương, các khoản chi phụ cấp cho cán bộ công chức, chi cho người có công với cách mạng và một số khoản chi cần thiết khác để bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước trong tháng 01 và tháng 02 năm 2022: Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách gửi đề nghị thanh toán nhưng dự toán của đơn vị chưa được cấp có thẩm quyền nhập dự toán vào hệ thống TABMIS, KBNN An Giang căn cứ vào Quyết định giao dự toán ngân sách năm 2022 của cấp có thẩm quyền (bản chính), Giấy đề nghị tạm cấp dự toán, Giấy rút dự toán ngân sách và hồ sơ theo quy định do đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến, KBNN An Giang sẽ thực hiện nhập dự toán (tạm cấp) và thanh toán theo quy định.
– Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách không có quyết định giao dự toán của đơn vị dự toán cấp trên, khi đến giao dịch với KBNN An Giang, đề nghị đơn vị sử dụng ngân sách để báo cáo cấp có thẩm quyền khẩn trương giao dự toán cho đơn vị.
Kho bạc Nhà nước An Giang thông báo và đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện các nội dung nêu trên. Khẩn trương gửi hồ sơ thanh toán, tránh gửi hồ sơ dồn vào một số ngày cuối năm gây khó khăn trong xử lý của các chương trình ứng dụng. Trong quá trình triển khai có phát sinh vướng mắc liên hệ với KBNN An Giang để phối hợp xử lý./.

CATEGORIES
Share This