TỪ NGÂN KHỐ NHÀ NƯỚC AN GIANG  ĐẾN KHO BẠC NHÀ NƯỚC AN GIANG HIỆN ĐẠI

TỪ NGÂN KHỐ NHÀ NƯỚC AN GIANG ĐẾN KHO BẠC NHÀ NƯỚC AN GIANG HIỆN ĐẠI

Ngày 01/7/1989, Ngân khố Nhà nước (NKNN) An Giang nay là Kho bạc Nhà nước (KBNN) An Giang được thành lập, là một mô hình đổi mới công tác quản lý Quỹ ngân sách nhà nước. Sự thành công của Ngân khố Nhà nước An Giang là cơ sở thực tiễn quan trọng để Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định thành lập Hệ thống Kho bạc Nhà nước Việt Nam vào tháng 4 năm 1990.

Những ngày khó khăn

Vào những năm 1987 – 1988, kinh tế nước ta rơi vào khủng hoảng, lạm phát hàng năm luôn ở 3 con số, kế nhoạch thu – chi ngân sách luôn bị phá vỡ do giá cả tăng quá nhanh, thiếu tiền mặt trầm trọng. Việc quản lý quỹ ngân sách Nhà nước (NSNN) lại thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN vừa có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động Ngân hàng vừa trực tiếp kinh doanh tiền tệ (chưa có ngân hàng chuyên doanh như bây giờ), lại còn phải “làm giùm” cho cơ quan Tài chính việc quản lý quỹ NSNN. Thông tin về ngân sách rất chậm làm cho chính quyền các cấp, cơ quan Tài chính và tất cả các cấp cơ quan Nhà nước đều rất bị động trong việc điều hành quỹ NSNN.

Ngân hàng lúc đó là hệ thống dọc từ TW đến địa phương, được điều hành tập trung, chặt chẽ, nhưng hầu như biệt lập với địa phương. Vì vậy, chỉ với ý tưởng đưa quản lý quỹ NSNN từ cơ quan Ngân hàng về cơ quan Tài chính mà ở TW dù đã nhiều lần được đề cập mà vẫn không thực hiện được. Nhưng tình hình Tài chính lúc đó đã quá bức xúc cơ quan Tài chính cấp trên không nắm, không quản lý được cơ quan Tài chính cấp dưới. Cơ quan Tài chính luôn có tiền ở ngân hàng nhưng luôn được báo là thiếu tiền vì một khoản thu NSNN cả tháng sau từ huyện mới được chuyển về tỉnh. Khoản thu NSNN của cấp tỉnh tại huyện luôn bị huyện “ém” để chi cho huyện. Tương tự như vậy, khoản thu NSNN TW cũng bị tỉnh “ém” để chi cho tỉnh. Bộ Tài chính rất bức xúc mà không khắc phục được. Ngay tại địa phương An Giang lúc đó, phòng Tài chính huyện đi vay của dân để chi cho huyện mà tỉnh cũng không nắm, không quản lý được.

Trụ sở Ngân khố Nhà nước An Giang

Trụ sở Ngân khố Nhà nước An Giang

Đột phá

Không thể chần chờ được nữa, tại Hội nghị Tỉnh Đảng bộ An Giang bàn về phương hướng 6 tháng cuối năm 1988, quyết định phải cho ra đời bằng được cơ quan quản lý quỹ NSNN của địa phương trực thuộc ngành Tài chính, được hiểu như một “Ngân hàng của Chính phủ địa phương”. Nghị quyết cũng giao cho 2 ngành Tài chính và Ngân hàng phải thực hiện càng sớm càng tốt.

Một tổ chuẩn bị gồm lãnh đạo và một số cán bộ của 2 ngành Tài chính và Ngân hàng được thành lập. Sau 5 tháng chuẩn bị, “Tổ Chuẩn bị” đã dự thảo và trình Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh các phương án, mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế điều hành, hoạt động nghiệp vụ… Ngày 10/4/1989, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 69/QĐUB về việc thành lập cơ quan NKNN An Giang nằm trong Sở Tài chính, có hệ thống dọc từ tỉnh xuống đến huyện, thị. Hàng loạt văn bản “pháp quy” của địa phương đã ra đời quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan NKNN An Giang. Ngoài thành công to lớn nhất là quản lý quỹ NSNN trên địa bàn rất tốt, rất trôi chảy, NKNN An Giang còn tổ chức tốt công tác Tín dụng Kho bạc sau này được gọi tên là Tín dụng Nhà nước, đã giúp cho một số doanh nghiệp Nhà nước (có chỉ định của UBND tỉnh) vay vốn lưu động, ngoài ra còn cho một số đơn vị xây dựng cơ bản vay để thanh toán khối lượng hoàn thành hoặc bắt đầu xây dựng trong mùa khô khi NSNN chưa có tiền.

Nhớ lại những ngày đầu khó khăn tưởng như không thể vượt qua, nhưng với tin thần quyêt tâm của những người tiên phong, đồng chí Lâm Hồng Cường – Nguyên Giám đốc KBNN An Giang nhớ lại (Trích bài viết Vươn tới những mục tiêu – Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia Xuân 2010): “Tất cả như vừa mới hôm qua. Bắt đầu từ yêu cầu đổi mới công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước, dưới sự chỉ đạo của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười như phát pháo lệnh cho một chiến dịch đưa công tác quản lý quỹ ngân sách về ngành Tài chính. Ban Chỉ đạo có Tài chính với Ngân hàng Nhà nước nhưng công việc chủ yếu là ở Ban Trù bị thuộc Sở Tài chính Vật giá với 05 chị em. Chị Hai Thư lo tổ chức bộ máy, tôi lo kế toán, giao dịch, quản lý. Chúng tôi cũng đi Kiên Giang để nghiên cứu cách làm của tỉnh bạn. Rồi ngày khai trương cũng tới, mọi chuyện ùa tới, và từng bước vượt qua những thách thức, tạo được niềm tin của lãnh đạo đồng nghiệp từ những kết quả thực tế. Thật nhiều, thật nhiều kỷ niệm trong những ngày tập làm Kho bạc ở An Giang”.

Các đồng chí tham gia thành lập Ngân khố Nhà nước An Giang

Các đồng chí tham gia thành lập Ngân khố Nhà nước An Giang

Vững bước, trưởng thành

Trong 33 năm xây dựng và trưởng thành, KBNN An Giang đã giữ vững truyền thống, không ngừng phấn đấu và đạt nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng và phát triển hoạt động KBNN trên địa bàn. Trong triển khai tác nghiệp, đã tập trung xây dựng một môi trường tác nghiệp kỷ cương, định hướng khách hàng theo phương châm: Thân thiện – Hợp tác – Công khai và Minh bạch. Đề cao trách nhiệm cá nhân, nêu cao tinh thần tận tâm phục vụ, thường xuyên cải tiến, mở rộng dịch vụ, với mục tiêu: Đảm bảo an toàn tác nghiệp, chất lượng phục vụ và hiệu quả công việc.

Thu – chi ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu vượt dự toán, kế hoạch vốn và tăng dần hàng năm; tạo việc hàng chục ngàn lao động thông qua quản lý cho vay Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm; huy động vốn cho NSNN hơn 300 tỷ đồng thông qua phát hành công trái, trái phiếu; quản lý an toàn ngân quỹ: kiểm đếm gần 4 tỷ tờ giấy bạc với số tiền hơn 50 nghìn tỷ đồng tiền mặt qua giao dịch với khách hàng, phát hiện hơn 10.000 tờ tiền giả, trả lại cho khách hàng hơn 15 ngàn món và gần 3 tỷ đồng tiền thừa (món cao nhất là 65 triệu đồng); thực hiện cải cách hành chính qua giao dịch “một cửa”, giao dịch ngày thứ bảy, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (nay là ISO 9001:2015) trong toàn tỉnh trong quản lý,…; Hoạt động thăm dò ý kiến khách hàng về chất lượng phục vụ từ kết quả công việc, thời gian xử lý hồ sơ, môi trường giao dịch và thái độ ứng xử của cán bộ KBNN… được thực hiện nghiêm túc trước khi tiến hành Hội nghị khách hàng hàng năm. Công tác tư vấn khách hàng cũng được thiết lập để hỗ trợ khách hàng một cách có trách nhiệm và chất lượng. Từng bước nâng cao trình độ và năng lực của cán bộ công chức đáp ứng cho yêu cầu công việc trong tình hình mới…

Cán bộ công chức NKNN An Giang.

Cán bộ công chức NKNN An Giang.

Hiện đại hóa Kho bạc

Đi cùng với chủ trương thực hiện Kho bạc “3 không” (Không tiền mặt – Không khách hàng trực tiếp – Không chứng từ giấy) theo Chiến lược Phát triển Kho bạc đến năm 2020. Toàn thể lãnh đạo, công chức KBNN An Giang phát huy truyền thống, không ngừng phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu của Đảng và Nhà nước giao cho Ngành KBNN nói chung, KBNN An Giang nói riêng.

Từ những năm 2007, KBNN An Giang đã thực hiện thỏa thuận phối hợp thu giữa Kho bạc – Thuế – Hải quan – Ngân hàng thương mại (NHTM) để từng bước dịch chuyển thu NSNN qua NHTM. KBNN An Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan, người nộp thuế khắc phục các khó khăn vướng mắc để đến năm 2020 toàn bộ các khoản thu NSNN đã thực hiện tại các NHTM. Đi cùng với thu NSNN qua NHTM, các khoản chi cũng từng bước được dịch chuyển qua NHTM. Từ khoản chi cho con người qua tài khoản ATM tại NHTM cho đến các khoản chi tiền mặt từ 100 triệu đồng trở lên. Đến nay, KBNN An Giang đã dịch chuyển toàn bộ chi tiền mặt qua NHTM. Thực hiện Kho bạc không tiền mặt tại trụ sở Kho bạc.

Từ năm 2019, KBNN An Giang triển khai Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) . Việc triển khai thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, do áp dụng phương thức giao dịch mới. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của lãnh đạo, công chức KBNN An Giang, đến nay tất cả các đơn vị giao dịch (trừ các đơn vị An ninh, Quốc phòng) đều tham gia DVCTT. Qua triển khai DVCTT, góp phần giảm tối đa khách hàng đến giao dịch tại trụ sở Kho bạc. Đi cùng với đó là không còn giao nhận chứng từ giấy tại trụ sở Kho bạc, việc xử lý, lưu trữ chứng cũng được giảm tối đa (do hồ sơ kèm theo được lưu tại hệ thống DVCTT).

Qua những kết quả đạt được, KBNN An Giang đã nhận được các phần thưởng cao quý của Chủ tịch nước: Huân chương Lao động hạng Nhất, nhiều Bằng khen của Chính phủ, Bộ Tài chính và UBND tỉnh An Giang cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động của KBNN An Giang.

Trong giai đoạn tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới được Nhà nước giao cho KBNN ngày càng nặng nề và công cuộc cải cách phát triển tài chính công, tác động của xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, để vươn lên hơn nữa thực hiện một cách tốt nhất mọi nhiệm vụ được Nhà nước giao, triển khai thành công Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn mới. Đòi hỏi toàn thể lãnh đạo, công chức KBNN An Giang sẽ phải có quyết tâm cao, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục đổi mới các mặt hoạt động nhằm mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định, vững chắc, để tiếp tục hoàn thành Chiến lược phát triển KBNN ở giai đoạn mới.

Mới đó mà đã 33 năm trôi qua, sự kiện thành lập NKNN An Giang như mới hôm qua. Những anh chị em công tác từ những ngày đầu thành lập ngày càng vắng dần, người về hưu, người mất, người chuyển sang ngành khác, người còn công tác trong ngành Kho bạc một vài năm nữa sẽ không còn ai. Nhưng khi gặp nhau, nhắc đến sự kiện ngày 01/7/1989, sự kiện thành lập NKNN An Giang thì ai cũng vui mừng, hãnh diện vì mình đã có phần đóng góp hoạt động của NKNN An Giang nay là KBNN An Giang ngày càng hiện đại./.

                             NXT – Tổng hợp từ tư liệu thành lập Ngân khố Nhà nước An Giang

CATEGORIES
Share This